Phòng ngừa và điều trị Chứng hôi miệng

Những thông tin y khoa của Wikipedia tiếng Việt chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế ý kiến chuyên môn. Trước khi sử dụng những thông tin này, đề nghị liên hệ và nhận sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn.

Vệ sinh răng miệng

Giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày và định kỳ chăm sóc răng miệng là một trong những biện pháp hữu hiệu đề phòng ngừa sâu răng và hôi miệng.[17]

  • Làm sạch miệng hàng ngày: Cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để không bị sâu răng, viêm nướu… do các bệnh này là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi khó chịu. Thực hiện việc chải răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng ít nhất 1 lần/ngày nhằm loại bỏ các mảng bám cùng vi khuẩn tích tụ trên răng và nướu. Khám 2 lần/năm để được kiểm tra và làm sạch răng đúng cách. Có thể uống và súc miệng bằng dầu dừa hoặc dầu mè.
  • Cạo lưỡi: Dùng bàn chải lông mềm để chà nhẹ lưỡi từ sau ra trước 1 lần/ngày. Nên mua một dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch hiệu quả hơn. Tham khảo ý kiến nha sĩ để được tư vấn cách làm sạch lưỡi phù hợp nhất.[17]
  • Lấy cao răng và súc miệng thường xuyên: Cao răng là mảng bám thức ăn thừa tích tụ lâu ngày ở răng, thường xuyên dùng chỉ tơ nha khoa để lấy hết thức ăn thừa mắc vào kẽ răng và súc miệng bằng nước súc miệng có thành phần menthol.
  • Giữ cho nước bọt luôn tiết ra đầy đủ bằng thói quen súc miệng khan. Nước bọt chứa các enzyme quan trọng giúp diệt vi khuẩn có hại, vì thế miệng khô sẽ góp phần khiến hơi thở có mùi. Nên kích thích các tuyến nước bọt và giữ cho miệng đủ ẩm ướt.[7]

Chế độ ăn uống

Ăn táo giúp chống hôi miệng

Khi bị hôi miệng cần điều chỉnh chế độ ăn, theo đó chế độ ăn với lượng tinh bột thấp, protein cao có thể là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi. Đặc điểm của chế độ ăn này là do thiếu một lượng tinh bột cần thiết nên cơ thể đốt cháy lượng chất béo dự trữ để sử dụng. Khi chất béo được đốt cháy, các hóa chất mang tên ketone (xeton) tích tụ trong cơ thể được phóng thích ra ngoài qua hơi thở và khiến hơi thở có mùi. Quá trình trao đổi chất này liên quan đến dạ dày chứ không phải miệng, nên có thể thay đổi chế độ ăn uống mới giúp giảm hôi miệng. Hạn chế rượu bia, thuốc lá, thuốc lào.[17]

Một số thực phẩm có tác dụng chống hôi miệng do đó có lời khuyên cho rằng sau bữa ăn, uống một tách trà, trà xanh hay trà đen, loại trà này chứa chất chống ô xy hóa giúp ngăn các vi khuẩn sinh sôi, polyphenol, thành phần hóa chất được tìm thấy trong trà đen và trà xanh, có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây nên chứng hôi miệng. Bên cạnh đó, ăn sữa chua chứa lợi khuẩn probiotic (gần 200 ml/ngày) cũng giúp giảm lượng hydrogen sulfide gây mùi hôi ở miệng. Nên uống nhiều nước vì vi khuẩn gây hôi miệng sinh sôi ở miệng khô.[18] Uống nhiều nước giúp tống khứ các vụn thức ăn và vi khuẩn mắc kẹt trong miệng, giúp kích thích tạo nước bọt, vốn có tác dụng như chất tẩy rửa.[16]

Mùi tâyhúng quế là những loại rau chứa nhiều polyphenol, có tác dụng như chất chống ô xy hóa, giúp phá vỡ các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi. Ăn táo cũng có thể giảm bớt mùi hôi do ăn tỏi, các polyphenol có nhiều trong táo cũng giúp phá vỡ các hợp chất lưu huỳnh gây hôi, giúp giữ sạch răng miệng.[19] Cải bó xôi là một loại thực phẩm giàu polyphenol khác. Polyphenol trong các loại thực phẩm như cải bó xôi và táo nên được trộn với tỏi để phá vỡ các hợp chất lưu huỳnh.

Hạn chế dùng đường: Kẹo bạc hàkẹo cao su có thể giúp thay đổi mùi hơi thở và không nên dùng các loại kẹo ngọt vì vi khuẩn trong miệng sẽ lên men đường, tạo ra mùi hôi rất khó chịu, đồng thời việc giảm lượng đường trong chế độ ăn uống cũng giúp khử mùi.[17]

Dùng thảo dược như bạch đậu khấu, loại gia vị mang vị ngọt thường có trong các món ăn Ấn Độ, có khả năng kháng khuẩn, làm sạch hơi thở. Hoàng bá là một vị thuốc giúp ta khắc phục tạm thời được chứng hôi miệng. Ngoài tác dụng chống hôi miệng, hoàng bá còn có tác dụng trị sâu răng, viêm nha chu, viêm họng và viêm ruột.[3]